Phân tích thị trường kinh doanh - bán hàng
Các đặc điểm khác nhau của các hình thái thị trường cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh có độc quyền, độc quyền có cạnh tranh, hay độc quyền hoàn toàn sẽ ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau đến việc lựa chọn phương pháp định giá, khả năng điều chỉnh và thay đổi giá của các doanh nghiệp trong các thị trường đó.
Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo có nhiều người bán cho nhiều người mua những sản phẩm đồng nhất, không một người bán hay người mua nào có được ảnh hưởng làm thay đổi giá cả thị trường với tư cách từng chủ thể riêng lẻ. Nói cách khác, vai trò của mỗi người bán và mỗi người mua là rất không đáng kể. Họ có thể tham gia hay rời bỏ thị trường một cách tùy ý. Giá cả thị trường hình thành tại mỗi thời điểm là do cạnh tranh giữa số đông người bán và số đông người mua trên thị trường, và mọi người bán cũng như mọi người mua đều bán và mua theo đúng giá cả thị trường. Và chừng nào người bán không đưa ra được những cống hiến khác biệt có sức thuyết phục người mua và hơn hẳn đối thủ cạnh tranh, thì họ vẫn còn phải bán sản phẩm của mình theo giá cả thị trường.Trong vai trò là những người chấp nhận giá cả thị trường, người bán không tốn nhiều thời gian và tiền bạc cho các chiến lược marketing của mình, vì khả năng chi phối thị trường của họ rất hạn chế.
Thị trường cạnh tranh có độc quyền gồm nhiều người bán cho nhiều người mua những sản phẩm phân biệt trong một khoảng giá nhất định. Những người bán cố gắng đa dạng hóa sản phẩm và tạo nên sự khác biệt về chất lượng, đặc điểm công dụng, kiểu dáng hay dịch vụ kèm theo đem lại cho người mua những khả năng lựa chọn thích hợp và sẵn sàng trả giá cao hơn, nhờ đó người bán có thể thu được lợi nhuận trên mức bình quân.
Thị trường độc quyền có cạnh tranh (nhóm độc quyền) gồm một số ít người bán cho nhiều người mua những sản phẩm đồng nhất hay phân biệt. Những người bán trong thị trường này rất nhạy cảm với những chiến lược marketing và định giá của các đối thủ cạnh tranh và phản ứng một cách linh hoạt trước các hành vi ứng xử của họ. Những người làm marketing cần nghiên cứu một cách toàn diện những xu hướng vận động của thị trường và hoạch định các chiến lược marketing phù hợp, chủ động thích ứng với nhữngû thay đổi của khách hàng cũng như đối thủ cạnh tranh.
Trong thị trường độc quyền, chỉ có một doanh nghiệp duy nhất bán cho nhiều người mua một loại sản phẩm nhất định. Ở đây không có cạnh tranh, và hầu như không có sản phẩm thay thế. Nếu người bán là doanh nghiệp độc quyền nhà nước thì việc định giá có thể nhằm vào những mục tiêu rất khác nhau, mà không phải bao giờ lợi nhuận cũng là mục tiêu hàng đầu. Doanh nghiệp độc quyền nhà nước có thể định giá thấp hơn mức chi phí sản xuất và phân phối sản phẩm hay dịch vụ và được Nhà nước bù lỗ, vì sản phẩm hay dịch vụ đó quan trọng đối với đa số người tiêu dùng, và họ không thể mua được chúng nếu phải trả đủ chi phí. Hoặc doanh nghiệp độc quyền nhà nước có thể định giá ở mức đủ trang trải chi phí, hay có lãi – thậm chí đạt mức lãi cao, trong trường hợp Nhà nước muốn tiết giảm mức cầu về các sản phẩm và dịch vụ đó.